Hàng loại gia cầm ở các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên đột ngột chết khiến nhiều hộ nông dân bỗng chốc lâm cảnh trắng tay.
Theo Cục Thú y, đến ngày 14/2, cả nước có 8 tỉnh gồm Quảng Ngãi, Nam Định, Kontum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Long An và Đăk Lăk có dịch cúm gia cầm và có thể có thêm các tỉnh thành khác ở miền Trung. Chưa đầy ba tuần, Thủ tướng Chính phủ đã hai lần ban hành công điện cho các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người.
Từ sau Tết Giáp Ngọ, dịch bệnh hoành hành khiến đàn gia cầm ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên chết. Đến trưa 14/2, cơ quan chức năng ở các tỉnh này đã tiêu hủy ít nhất 30.000 con gà, vịt mắc bệnh. Trong đó, Quảng Ngãi hiện là "điểm nóng" đang bùng phát mạnh với nhiều ổ dịch cúm gia cầm H5N1 lan ra nhiều xã ở các huyện Đức Phổ và Sơn Tịnh buộc phải tiêu hủy hơn 5.000 con gia cầm.
Đàn vịt của gia đình anh Nguyễn Hoàng Lộc ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) chết la liệt nằm ở ven sông Trà Khúc. "Bao nhiêu vốn liếng vợ chồng tôi dồn vào làm chuồng trại, mua 2.000 con vịt về nuôi. Mới tròn 1 tháng thì cả đàn lần lượt ngã ra chết. Ngành thú y tỉnh lấy mẫu đưa đi xét nghiệm, vợ chồng tôi tá hóa khi nghe thông báo kết quả đàn vịt của tôi chết do mắc bệnh cúm A/H5N1 buộc phải tiêu hủy hết", anh Lộc buồn bã nói.
Để ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan ra diện rộng, những ngày qua ngành thú y phối hợp với ngành y tế các tỉnh miền Trung về các địa phương phun hóa chất giúp bà con nông dân tiêu độc, khử trùng. Các tỉnh cũng phân bổ hàng nghìn lít hóa chất hỗ trợ nông dân ở các vùng dịch vệ sinh chuồng trại.
Theo lãnh đạo Chi cục thú y Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xuất hiện 7 ổ dịch, tốc độ lây lan nhanh với hàng nghìn con vịt nhiễm bệnh phải tiêu hủy. Lo nhất là thời điểm hiện nay bước vào mùa tái đàn, toàn tỉnh có 4 triệu con gia cầm vẫn chưa tiêm vắcxin phòng bệnh cúm. Nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia cầm của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất lớn.
Trong khi đó ở Bình Định, ông Lê Anh Tú ở thôn Giang Bắc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước (Bình Định) và nhiều hộ khác cũng đang khốn đốn vì đàn gia cầm hàng nghìn con chết hết. Bần thần bên chuồng gà trống hoác, ông cho biết đã đầu tư 450 triệu mua 6.000 con gà giống về nuôi. "Thấy gà phát triển tốt lớn nhanh cả nhà vui lắm. Nhưng khi mỗi con nặng hơn 1 kg, gần xuất chuồng thì lăn ra chết hàng loạt trong dịp Tết vừa rồi. Lỗ tiền vốn đầu tư, tôi còn chịu lỗ thêm 400 triệu tiền cám", ông Tú nói.
Ông Trần Kỳ Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước (Bình Định) cho biết, từ trước Tết Giáp Ngọ đến nay, trên toàn địa bàn huyện gia cầm chết rất nhiều. Do người dân vứt gia cầm ra môi trường nên huyện phải lập các đội đi thu gom, có ngày thu gom đến 5.000 con gà bị chết, đưa đi chôn lấp tránh gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lây lan.
Trước tình hình dịch bệnh hoành hành trên đàn gia cầm, các tỉnh miền Trung cấp hàng triệu liều văcxin tiêm phòng cho gà, vịt tránh dịch bệnh lây lan. Ngành y tế khuyến cáo người dân sử dụng gia cầm phải xác định rõ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh cá nhân, bảo hộ lao động trong chăn nuôi. Đối với những người có biểu hiện mắc cúm, ở vùng lưu hành dịch, lại có tiếp xúc với gia cầm bệnh thì cán bộ y tế phải theo dõi, giám sát, lấy mẫu bệnh để xét nghiệm can thiệp điều trị kịp thời.
Ngày 14/2, Thủ tướng ban hành công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người. Trong đó, Bộ Y tế phải kiểm tra giám sát việc thực hiện “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam” và các biện pháp phòng chống các chủng virus cúm khác. Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan tập trung triển khai thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virus A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm khác vào Việt Nam.
Trong tháng 1/2014 dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm đã xuất hiện lẻ tẻ ở một số địa phương và đã có hai người tử vong do cúm A/H5N1 tại Bình Phước và Đồng Tháp.
Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO) khuyến cáo nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào Việt Nam từ các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc... là rất cao.
Trước tình hình dịch cúm A/H7N9 có nguy cơ lây lan vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát kiêm Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây lan sang người”; đồng thời ra lệnh cấm nhập khẩu gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 14/2.
Trí Tín - Minh Thùy
Theo vnexpress.net