PDA

View Full Version : Đọc báo dùm bạn



dangdung
23-09-11, 19:37
Nhớ bác Ba Tỵ và đàn chim huyền thoại
Thứ năm, 22/09/2011 05:50


" (CATP) Trong cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam bộ, đã xuất hiện một loại hình quân chủng đặc biệt, không nơi nào có. Đó là những đàn chim bồ câu đưa thư của quân đội ta, ra đời cách đây 63 năm giữa chiến khu Đồng Tháp Mười. Trải qua sáu năm phục vụ đắc lực cho chiến trường, chúng đã lập được nhiều thành tích vẻ vang. Năm tháng đi qua, giờ đây không ai có thể được gặp lại những đàn chim ấy giữa cuộc đời, cả trên những trang chiến sử, trong phim ảnh tư liệu, cũng như ở những phòng trưng bày của các viện bảo tàng.

Hồi tưởng lại, sau chiến thắng vang dội của quân dân ta trong Chiến dịch Việt Bắc thu - đông năm 1947, quân viễn chinh Pháp ráo riết mở cuộc hành quân càn quét lớn và xây dựng hệ thống cứ điểm dày đặc trên các trục đường giao thông huyết mạch, nhằm thực hiện việc bao vây chia cắt chiến trường Nam bộ, biến Nam bộ thành trọng điểm thực hiện chiến dịch bình định của chúng.

Để đối phó với âm mưu thâm độc này, Ban chỉ huy Ban Quân báo Khu 8 trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu, chủ trương tổ chức ra các đội chim bồ câu đưa thư nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống thông tin liên lạc trong quân đội, đảm bảo sự chỉ đạo thông suốt trên khắp chiến trường. Những đàn chim lịch sử này, được đồng chí Đinh Văn Ninh (Phó ban Quân báo Khu 8) đặt tên là các “đội không báo” (báo tin trên không). Người được ủy thác trọng trách xây dựng các “đội không báo” là đồng chí Nguyễn Văn Tỵ (Ba Tỵ) - một cán bộ tận tâm và giàu nhiệt huyết của ngành quân báo.

Trong những ngày đầu mới được hình thành, “đội không báo” chỉ có ba người - đồng chí Ba Tỵ và hai cô con gái trong lứa tuổi vị thành niên. Ba cha con đã lặn lội khắp nơi năn nỉ đồng bào mua từng con chim bồ câu non để gia công nuôi dưỡng. Khi chim đã đủ lông đủ cánh, ngày ngày mấy cha con chống xuồng ra giữa đồng để huấn luyện cho chim theo sự hướng dẫn trong sách của Pháp xuất bản ở Paris, có bán tại Sài Gòn.

Qua hơn nửa năm đầu tư công sức tổ chức, gần 50 con chim bồ câu đi đưa thư đã được huấn luyện thuần thục và sẵn sàng chờ lệnh ra quân. Vào một ngày đầu mùa thu năm 1948, đồng chí Ba Tỵ và đồng đội nức lòng phấn khởi đứng nhìn đàn chim câu tung cánh bay qua đồn giặc, mở đầu cho buổi xuất chinh của đàn chim trận Việt Nam trong cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh.

Địa bàn hoạt động của chim nằm bên hữu ngạn sông Mê-kông thuộc vùng ven Đồng Tháp Mười. Nhờ chim báo tin kịp thời đều đặn, bộ đội ta đã nắm được quy luật vận hành của tàu chiến địch trên sông để chủ động bố trí kế hoạch tác chiến, đồng thời giúp cho các chiến sĩ giao liên tổ chức đưa đón cán bộ qua sông được nhanh chóng, an toàn. Bất chấp nắng mưa giông bão, ngày ngày các “đội không báo” đã vượt trời cao sông rộng, cần mẫn mang những lá thư ở vùng hậu địch và từ hỏa tuyến chuyển về.

Những tháng năm ở Đồng Tháp Mười, các “đội không báo” cũng đã từng xông pha lửa đạn. Trong đó có trận phản kích cuộc càn quét của quân Pháp vào căn cứ địa của ta diễn ra từ ngày 19 đến 23-6-1950. Nhờ hiệu quả cung cấp thông tin của “đội không báo”, các lực lượng vũ trang ta đã tiêu diệt được hàng trăm tên địch sau năm ngày hành quân càn quét.

Trong ba năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, các “đội không báo” của đồng chí Ba Tỵ, từ Đồng Tháp Mười được di chuyển xuống miền Tây Nam bộ và tiếp tục lập công xuất sắc. Đặc biệt, trong trận càn quét lớn của Pháp vào chiến khu U Minh - căn cứ địa của Trung ương Cục miền Nam và Ủy ban kháng chiến - hành chính Nam bộ. Nhờ kịp thời nắm vững tình hình địch do “đội không báo” cung cấp, trong trận đánh lớn diễn ra tại vàm sông Nhựt Nguyệt vào thượng tuần tháng 6-1953, Tiểu đoàn 307 bách chiến bách thắng đã nện cho địch những đòn chí mạng. Bốn tàu chiến của địch bị nhận chìm trên sông Bảy Háp, hàng trăm tên địch bị loại ra khỏi vòng chiến đấu, quân ta thu được hơn 900 súng.

Sau trận đánh, “đội không báo” của đồng chí Ba Tỵ vinh dự nhận được giấy tuyên dương công trạng của Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây Nam bộ, do Tư lệnh Dương Quốc Chính ký.

Mùa hè năm 1986, 11 năm sau ngày miền Nam giải phóng, tôi đã hai đêm liền tìm đến thăm bác Ba Tỵ tại nhà người con trai út của bác ở đường Bạch Vân, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Ngồi bên cạnh chiếc ấm trà da lươn đầy kỷ niệm, kỷ vật duy nhất còn lại bên người trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bác Ba say sưa kể lại biết bao hồi ức về “đội không báo” năm xưa, về những ngày tháng không thể nào quên bác đã cùng chúng tôi sống giữa chiến khu Đồng Tháp Mười và căn cứ địa U Minh.

Tôi rỉ tai hỏi nhỏ người con trai bác Ba: “Huân chương, huy chương và quân hàm của ông cụ đâu, sao chẳng thấy?”. Con trai bác tự hào đáp: “Anh biết đấy, cho tới giờ phút này ba em vẫn vậy - vẫn là người chỉ huy “con tàu không số”. Điều đó đã đủ để làm cho cụ mãn nguyện lắm rồi”.

Vâng. Tôi hiểu rõ. Đối với bác Ba, niềm vinh hạnh lớn nhất của một đời người là được mang danh hiệu “người lính Bác Hồ” và những con chim bồ câu đưa thư huyền thoại của bác, mãi mãi được vinh danh là “đàn chim trận của bộ đội Cụ Hồ”. Không phải đợi tới bây giờ, mà 55 năm về trước, vào một buổi chiều mùa hè lúc cùng nhau ngồi trên đê Gia Lâm ở thủ đô Hà Nội - nơi đóng quân của “đội không báo” sau khi tập kết ra miền Bắc, bác Ba đã nói rõ với tôi điều đó.

Ôi, cao quý biết bao một con người, một nhân cách, một tấm lòng sáng trong như ngọc.
TP.Hồ Chí Minh, 23-9-2011

Trần Hữu Phước "

Thấy có nhắc đền thú chơi của chúng ta nên đem về anh chị em cùng xem , chắc phải tầm bác Ba học nghề 1 chuyến rồi

nobody
23-09-11, 21:12
Không ngờ "đội không báo" lại có điểm tập kết gần nhà mình như vậy.Không biết còn sót lại Hậu duệ của những chú Chim bay xuyên Bom đạn này không..Đúng là Chim khôn,Thần kinh Thép.Cảm ơn anh vì bài viết.