PDA

View Full Version : Bệnh cúm gia cầm



lucnt65
19-09-11, 09:53
BỆNH CÚM GIA CẦM

Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virút thuộc họ Orthomyxoviridae, chi Influenza virus typ A gây bệnh cho gia cầm, đặc biệt cho gà và vịt với tỷ lệ bệnh và tỷ lệ chết cao. Bệnh được Tổ chức thú y quốc tế (OIE) xếp vào bảng A danh sách các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
1. LỊCH SỬ VÀ NGUYÊN NHÂN BỆNH Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virút thuộc họ Orthomyxoviridae, chi Influenza virus typ A gây bệnh cho gia cầm, đặc biệt cho gà và vịt với tỷ lệ bệnh và tỷ lệ chết cao. Bệnh được Tổ chức thú y quốc tế (OIE) xếp vào bảng A danh sách các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bệnh được ghi nhận đầu tiên vào năm 1878 tại Ý và được gọi là “dịch tả gà” (fowl plague). Sau đó, bệnh xuất hiện ở các nước như: Áo, Đức, Bỉ và Pháp. Hiện nay, bệnh xuất hiện hầu như ở các nước trên thế giới với các tất cả 16 subtyp HA và 9 subtyp NA khác nhau đã được xác định trên các loài dã cầm và gia cầm (Capua và Maragon, 2007). Từ cuối năm 2003 đến nay, bệnh cúm gia cầm subtyp H5N1 độc lực cao (HPAI) đã xuất hiện tại một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, sau đó lan sang các nước châu Âu và Trung Đông. Bệnh có nguy cơ lây lan rộng, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi và được ghi nhận truyền lây và gây tử vong cho người (theo WHO) và đe dọa sức khỏe cộng đồng.
2. TRIỆU CHỨNG BỆNH TÍCH
(1) Triệu chứng bệnh Thời gian nung bệnh và triệu chứng, bệnh tích thay đổi tùy theo độc lực và liều lượng vi-rút, loài nhiễm và đường gây nhiễm. Đối với thể bệnh độc lực thấp, gia cầm không có biểu hiện triệu trứng rõ ràng và khó nhận diện nhưng trở thành vật mang trùng và bài thải virút ra ngoài môi trường, đáng quan tâm là bệnh trên vịt, nguy cơ gây bệnh cho những đối tượng gia cầm mẫn cảm khác và tạo ra những biến chủng mới độc lực cao hơn. Đối với thể bệnh độc lực cao, vi-rút phá hủy nhiều cơ quan phủ tạng, tim mạch và thần kinh ở những mức độ khác nhau. Phần lớn, bệnh xảy ra đột ngột trên gà và gà tây, một số chết trước khi biểu hiện lâm sàng. Nếu bệnh tiến triển chậm và phục hồi sau 3-7 ngày thì có biểu hiện rối loạn thần kinh như run rẩy đầu và cổ, rối loạn vận động, quẹo cổ. Một số biểu hiện thường thấy là: Gà giảm hoạt động, ủ rủ và giảm ăn uống. Tỷ lệ đẻ giảm đột ngột và có thể ngưng hẳn trong vòng 6 ngày. Những loài gia cầm khác cũng có biểu hiện tương tự nhưng không kéo dài, có những dấu hiệu thần kinh như liệt, rối loạn tiền đình (quẹo cổ và chớp mắt liên tục) và rối loạn vận động.
(2)Bệnh tích Trên gia cầm bệnh thể độc lực cao, xuất hiện nhiều bệnh tích như hoại tử, xuất huyết và phù ở các phủ tạng và da. Nếu chết quá cấp tính thì không quan sát được các bệnh tích đại thể. Ở gà, các biểu hiện sưng đầu, mặt, cổ trên và chân rất phổ biến do phù dưới da, có thể kèm xuất huyết điểm và đốm. Phù hốc mắt. Hoại tử điểm, xuất huyết và chứng tím tái ở những vùng da không có lông, đặc biệt trên mào và yếm. Bệnh tích ở phủ tạng thông thường là xuất huyết trên màng niêm hoặc tương dịch và hoại tử ở nhu mô phủ tạng. Đáng chú ý là hiện tượng xuất huyết trên ngoại tâm mạc, cơ ức và màng nhày dạ dày cơ, dạ dày tuyến, hoại tử điểm tuyến tụy, lách, tim và có thể cả gan và thận. Bệnh tích ở thận có thể kèm tích tụ urate. Phổi bị viêm phù, xung huyết hoặc xuất huyết.
3. BIỆN PHÁP PHÒNG VÀ TRỊ
3.1. Khi dịch bệnh chưa xảy ra Biện pháp quản lý, đặc biệt là biện pháp an toàn sinh học đóng vai trò quan trọng: Kiểm soát nhập đàn, hạn chế nguy cơ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào trại thông qua các phương tiện trung gian (người lạ, các phương tiện vận chuyển, các trang thiết bị phục vụ chăn nuôi, quần áo bảo hộ và các loại vật mang trùng: chim hoang dã, thủy cầm, động vật có vú,...), sử dụng các loại thuốc có tác dụng tăng cường sức đề kháng đàn gia cầm (NAVET-VITAMIN C ANTISTRESS) và thực hiện tốt vệ sinh và sát trùng chuồng trại. Ngoài ra, tiêm phòng vácxin như là một biện pháp hỗ trợ nhưng chủ động, tích cực và hiệu quả kinh tế nhất, được Bộ NN&PTNT và Cục thú y khuyến cáo sử dụng. Hiện nay, vácxin cúm gia cầm subtyp H5N1 vô hoạt nhũ dầu chủng Re-1 (hoặc chủng Re-5) của Công ty Phát triển Công nghệ sinh học Harbin Weike, Trung Quốc được sử dụng rộng rãi ở nước ta từ năm 2004. Vác xin được tiêm phòng cho gà, vịt và ngỗng con từ 2 tuần tuổi trở lên bằng cách tiêm cơ ức hoặc tiêm dưới da và tiêm nhắc lại sau 4-5 tuần đối với vịt, ngỗng cho khả năng bảo hộ tốt với bệnh cúm gia cầm. Đối với gia cầm đẻ, tiêm nhắc lại sau mỗi 6 tháng đối với gà, vịt đẻ và sau mỗi 4 tháng ngỗng. Thực tế sản xuất cho thấy vác xin có khả năng bảo hộ tốt đàn gia cầm và giúp giảm nhẹ tình hình dịch bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam trong những năm gần đây. Hiện nay Công ty NAVETCO phối hợp với Viện công nghệ sinh học đã nghiên cứu chế tạo thành công vác xin cúm gia cầm H5N1 dạng nhũ dầu. Kết quả thí nghiệm cho thấy vác xin ổn định, an tòan, đáp ứng miễn dịch tốt khi tiêm phòng cho gà, vịt và hiện nay Công ty đang chuẩn bị các thủ tục để đăng ký lưu hành và sử dụng vác xin này tại Việt Nam.
3.2. Khi dịch bệnh xảy ra Theo OIE, Bệnh cúm gia cầm được xếp vào loại bệnh bắt buộc phải công bố dịch khi dịch bệnh xảy ra và không thực hiện các biện pháp điều trị. Khi thấy gia cầm chết nhanh và tỷ lệ chết cao cần thiết phải báo cho cơ quan chuyên môn biết để lấy mẫu kiểm tra, đồng thời áp dụng cách xử lý theo hướng bệnh cúm gia cầm để hạn chế những thiệt hai về kinh tế, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Phải thực hiện các biện pháp khoanh vùng cách ly, tiêu hủy (thiêu đốt hoặc xử lý chôn) và tiêu độc, sát trùng chuồng trại (BENCOCID, NAVETKON-S) theo hướng dẫn của cục thú y.
ThS. Nguyễn Văn Dung(Trung Tâm Nghiên Cứu Thú y – NAVETCO)