PDA

View Full Version : Thú chơi Bồ câu đua ở Hải Phòng



Chấn PG
05-07-15, 17:54
Nếu ai từng tham dự buổi lễ chào mừng kỉ niệm 57 năm ngày giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng đỏ lần thứ nhất thì chắc hẳn chưa quên ấn tượng về màn biểu diễn vô cùng điêu luyện của những “chiến binh” mang thông điệp “hòa bình”.


http://haidangplaza.com.vn/uploads/news/2013_02/bo-cau-dua-hai-phong.jpg
Anh Phương giới thiệu “chiến binh” đoạt giải nhất cuộc đua “Cánh chim phương Bắc”

Từng đôi chim bồ câu nối tiếp nhau nghiêng mình chao lượn, bay vòng quanh, lên dọc cột cờ đặt giữa sân nhà hát lớn thành phố tạo thành hình xoắn ốc hay hàng trăm “chiến binh” cùng tung cánh bay rợp trời Cung VHLĐ hữu nghị Việt Tiệp là những màn trình làng chính thức đầu tiên của Chi hội Chim bồ câu đua thành phố, tạo ấn tượng đẹp trong lòng công chúng và hứa hẹn một sân chơi mới lý thú, bổ ích.

Theo những người nuôi chim chuyên nghiệp, thú nuôi chim bồ câu đua đã có ở Hải Phòng ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, bắt đầu từ một số gia đình người Hoa sống ở phố Lý Thường Kiệt. Sau đó, do quý rồi mê sự thông minh, khả năng tìm đường kỳ diệu của loài chim này mà dân ta đã bắt đầu nuôi chúng và duy trì cho đến tận ngày nay. Trong giới vẫn truyền tai nhau tên tuổi của những tay chơi “đình đám” một thời như: Ngọc-Tô Hiệu, Tân-Lý Thường Kiệt, Thìn-Cầu Đá… Và tháng 5-2012 vừa qua, sau rất nhiều nỗ lực của các tay đua tâm huyết, chi hội “Chim bồ câu đua Hải Phòng” đã chính thức được công nhận theo quyết định của Trung tâm Văn hóa thành phố, trở thành chi hội “Chim bồ câu đua” đầu tiên trong cả nước được công nhận tư cách pháp nhân.

Anh Trần Đức Phương, Chi hội trưởng Chi hội Chim bồ câu đua Hải Phòng hào hứng chia sẻ: “Việc chi hội chúng tôi được chính thức công nhận không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của các anh em trong chi hội mà còn là niềm vui, phấn khởi chung của tất cả các tay chơi bồ câu đua chuyên nghiệp trong cả nước với hi vọng rồi đây, tất cả chi hội chim bồ câu đua trong cả nước cũng sẽ được các cơ quan chức năng công nhận. Tất cả các “chiến binh” sẽ đều được tham dự vào những cuộc đua định kỳ, trong một sân chơi chính thống như ở Hải Phòng. Hiện chi hội thu hút sự tham gia của 12 “căn cứ”, với trên 500 “chiến binh”.

Chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia tất cả các hoạt động của thành phố với mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé của mình để làm phong phú hơn các hoạt động VH-VN. Và sau mỗi lần tham gia như vậy, chúng tôi đều được thành phố nhớ đến là tiết mục đầu tiên sau lời khai mạc; người dân luôn quan tâm, chú ý theo dõi xem các “chiến binh” của chúng tôi có bay về đến nhà hay không. Tất cả điều đó khiến chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc, hãnh diện...”.

Chơi chim bồ câu đua từ năm 15 tuổi, đến nay anh Phương đã có 20 năm trong “nghề”. Hiện gia đình anh nuôi 48 con chim bổn (chim bố mẹ) và hơn 50 chim “chiến binh”. Để biến những chú chim non thành những “chiến binh” thực thụ thì các chủ chim phải bỏ ra rất nhiều sức lực, thời gian và tâm huyết. Theo anh Phương chia sẻ thì khâu quan trọng nhất là chọn giống.

Phải chọn những “chiến binh” kiêu hùng, đã được tôi luyện qua trận mạc, thuần thục đường bay để nhân giống. Khi chim non được khoảng 45 ngày tuổi thì cho ra khỏi chuồng, bắt đầu chăm sóc với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Mỗi chủ chim đều có những bí quyết riêng trong cách chăm sóc, huấn luyện chim bay. Ngoài việc cho chim ăn đầy đủ các loại ngũ cốc: ngô, đậu tương, vừng, đỗ xanh… còn phải cung cấp đủ khoáng chất, vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho chim. Khi chim non đã được 1-2 lông bay thì bắt đầu cho tập bay với chim bố mẹ, ở khoảng cách gần, khoảng 5-7km, từ cầu Niệm hoặc cầu Rào về tổ.

Khoảng cách đường tập bay cứ thế nâng dần lên. Khi chim đã cứng cáp, được 5-6 lông bay thì cho tham gia các cuộc đua gần từ Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình trở về… Thời điểm chim đã trưởng thành, có khả năng cặp đôi là lúc chim được 7-8 lông bay. Đây là thời kỳ sung mãn, cường tráng, dẻo dai, hội tụ đầy đủ các tố chất nhất của chim. Nhưng ở thời điểm này, các chủ chim thường cho chim tiếp tục tập dượt thuần thục đường bay 300-400 km mà không cho tham gia các cuộc đua đường dài. Chỉ dùng những “chiến binh” đã 18-24 tháng tuổi, dạn dày chiến trường tham gia thi đấu để tỷ lệ đoạt giải được cao…

Để hoàn thành 1 khóa huấn luyện hay tổ chức một cuộc đua, các chủ chim phải tự đóng góp khá nhiều chi phí cho việc đi lại. Đã vậy, trên mỗi chặng đường chim bay về tổ, luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như: gặp mưa, bão, bị bắn, thiên địch tấn công, lạc đàn... Từ huấn luyện cả một lứa 60-70 con chim non, sau một thời gian chỉ còn lại chừng 7-10 con là những “chiến binh” xuất sắc có thể đoạt giải đường dài. Vậy mà các thành viên trong chi hội chim bồ câu đua của thành phố vẫn luôn say sưa, mê mẩn với thú chơi này.

Với họ, việc được chăm sóc, nuôi dưỡng và huấn luyện chim là một thú đam mê khó tả. Họ cảm thấy hạnh phúc, thư thái khi mỗi sáng sớm hay chiều về được nghe tiếng gù của chim, được nhìn chúng tung cánh bay lượn thành vòng quanh khu nhà chúng sinh sống. Đặc biệt, họ rất thích cái cảm giác hồi hộp, lo lắng xen lẫn buồn vui khi ngóng trông, chờ đợi chim bay về tổ. Cảm giác này đối với họ hệt như cảm giác trong phút giây mong đợi người thân trở về sau một chuyến hành trình, để rồi được tận hưởng sự vui sướng trong niềm hạnh phúc vỡ òa khi công sức, tâm huyết của họ đã được các “chiến binh” đền đáp bằng việc chúng bình an tìm về tổ ấm và mang theo những chiến tích vinh danh sau các trận đua…

Được biết năm 2013 này, để hưởng ứng năm “Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng”, Giám đốc Trung tâm VHTP đã có đề xuất, kiến nghị UBND thành phố có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho chi hội tổ chức Hội thả chim bồ câu đua vào sáng chủ nhật hàng tuần. Về phía chi hội, ngoài việc tổ chức các giải thi đấu định kỳ giữa các “căn cứ” trong chi hội và giao lưu với CLB “Chim bồ câu đua Thăng Long-Hà Nội”, chi hội còn dự định sẽ tổ chức cuộc đua liên tỉnh phía bắc, với 60 chiến binh xuất sắc sẽ tham dự giải đua. Ngoài ra, chi hội còn tổ chức các chuyến đi tham quan chợ chim ở Quảng Châu-Trung Quốc và Thái Lan để tìm hiểu, liên hệ tiến tới đưa con chim của mình sang nước bạn thi thố tài năng.

Trong làng giải trí Hải Phòng, bồ câu đua là thú chơi còn khá mới mẻ nhưng đã tạo được dấu ấn đậm nét, thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo công chúng; góp phần làm phong phú, đa dạng hóa các hoạt động VH-VN của thành phố. Đây thực sự là một thú chơi tao nhã, một sân chơi bổ ích, lý thú cần được nhân rộng.


Nguồn tin: Báo ANHP