PDA

View Full Version : Lạ lùng bồ câu đua



Chấn PG
05-07-15, 17:51
Nguồn: baogiaothong.vn

Chủ nhân chim bồ câu đua yêu quý "chiến binh" của mình bởi khả năng nhớ đường tuyệt vời và sự trung thành hiếm có.

Về Hải Phòng xem đua chim đưa thư

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, ở Hải Phòng xuất hiện một loài chim có tên “Bắc thổi”. Đây là những con bồ câu đua từ Trung Quốc bị lạc đàn hoặc gió bão thổi, đã theo tàu thuyền vào vùng cảng Hải Phòng. Thú nuôi chim bồ câu đua bắt đầu từ một số gia đình người Hoa sống ở phố Lý Thường Kiệt nhưng họ không muốn truyền ra ngoài. Nhiều người mê chim đã tìm cách đến chơi rồi lấy trộm trứng mang về cho bồ câu nhà ấp. Thời gian sau đó, người dân Hải Phòng đã tổ chức nhiều cuộc đua bồ câu. Và nhiều người đã “nghiện” thú chơi này. Anh Trần Đức Phương trú tại 11/11/224, phố An Đà, Ngô Quyền, Hải Phòng là một trong số đó. Sau một lần xem cuộc đua bồ câu trên bầu trời nhà hát thành phố cách đây gần 20 năm, do quá thích anh đã tiết kiệm tiền ăn sáng để mua chim bồ câu đua về nuôi. Những ngày đầu, anh bị mất chim liên tục khi thả ra để tập luyện bởi chúng nhớ đường bay về nhà chủ cũ. Chính bởi thuộc tính này mà thời xưa, bồ câu là loại chim dùng để đưa thư.


http://media.baogiaothong.vn/files/f1/2013/03/18/la-lung-bo-cau-dua-1.jpg
Chơi bồ câu đua đã giúp anh Phương và bạn bè trong chi hội rèn luyện tính kiên trì

Hiện tại, anh Phương đang nuôi 120 “chiến binh” bồ câu đua, trong đó có gần 50 chim bố mẹ. Để biến những chú chim non thành những “chiến binh” thực thụ mất rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Theo anh Phương, chim non được khoảng 10 ngày tuổi sẽ đeo “nhẫn” vào chân để tiện cho việc quản lý số lượng trong đàn. Việc huấn luyện chim được làm từ tháng đầu tiên sau khi nở. Khi ấy, chim bắt đầu biết bay và phải học cách xác định chỗ ở, chao liệng vòng tròn. Chúng được huấn luyện thường xuyên bằng cách thả chim con cùng bố mẹ ra ngoài trời cho bay ở khoảng cách gần nhà để ngày càng cứng cáp. Sau đó, chim được tách ra cho bay đơn lẻ. Chim được luyện bay liên tục sẽ rắn chắc và có sức bền hơn.

Cách tổ chức đua chim rất lạ lùng. Mỗi “chiến binh” sẽ được ban tổ chức (BTC) dán tem có chứa một dãy số bí mật ở chân, đóng “dấu” vào cánh chim. Một nhóm người phụ trách mang chim đến điểm tập kết theo chặng đua như Hải Dương, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng... rồi thả để chim đua bay về “căn cứ” ở Hải Phòng. Khi thấy “con cưng” về tới nhà, chủ nhân sẽ cào tem lấy dãy số mật mã rồi nhanh tay nhắn tin về BTC... Căn cứ vào thời gian nhận được tin nhắn, BTC sẽ phân định con chim đoạt giải.

Những chú chim bồ câu mang đi “tranh tài” phải có mình củ đậu, ngực nở, cánh hình vỏ trai, từ đầu xuống mỏ tạo thành hình tam giác và được chăm sóc với chế độ đặc biệt. Ngoài việc cho chim ăn đầy đủ các loại ngô, vừng, đỗ xanh, khoáng chất..., chủ chim còn phải vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho chim. Thông thường, anh Phương tắm rửa, kỳ cọ cho “con cưng” mỗi tuần một lần để bộ lông bông xốp, sạch sẽ. Trước ngày thi, anh cẩn thận cho chúng ăn viên nén đa dinh dưỡng để tăng thêm thể lực.

Tháng 4 năm ngoái, anh Phương “cử” 2 con chim bồ câu đi tham gia giải đua tuyến Hải Phòng - Vinh. Lúc 7h30 sáng, BTC thả chim thì tới 11h30 chim đã bay về nhà ở Hải Phòng. Một con chim bồ câu của anh đã từng 2 lần giành giải nhất trong chặng đua Hải Phòng - Đà Nẵng.

“Đợi chim như mong mẹ về chợ”

Hiện nay trên cả nước có nhiều nhóm chơi chim bồ câu đua với quy mô khác nhau, tuy nhiên, Chi hội Chim bồ câu đua Hải Phòng mà anh Trần Đức Phương làm chủ nhiệm là đơn vị đầu tiên được công nhận tư cách pháp nhân và hoạt động chuyên nghiệp. Với 12 thành viên có gần 600 “chiến binh” bồ câu đua, Chi hội trực thuộc Hội Sinh vật cảnh (Trung tâm văn hóa TP Hải Phòng) đã ra mắt vào kỷ niệm 57 năm giải phóng Hải Phòng (13/5) và có màn biểu diễn của gần 150 chú chim bồ câu đua mãn nhãn du khách về với đất Cảng.

Gần 20 năm đam mê thú chơi này, anh Phương không nhớ nổi bao lần ngồi trên mái nhà ngóng “con cưng” về đích. Thậm chí có lần anh ngồi chờ suốt 3 giờ đồng hồ giữa nắng hè chói chang. Đây cũng là chuyện thường tình mà những người chơi chim bồ câu đua trải qua. Thú chơi chim bồ câu đua không dành cho người thiếu kiên nhẫn, anh Phương nói. Mỗi lần chim bay về nhà mà vẫn khỏe mạnh thì lòng tôi thấy vui lắm, cảm giác giống như trẻ con thấy mẹ đi chợ về đó.

Nhìn cách cho “cục cưng” trong chuồng ăn, thổi còi, kéo cờ gọi chim về của anh Phương, chúng tôi cảm nhận được sợi dây tình cảm của người nuôi với loài chim vốn là biểu tượng của hòa bình. Không vì mục đích thương mại, những giải đua chim bồ câu mà anh Phương và các thành viên chi hội tham gia đang tạo ra một sân chơi lành mạnh ở đất Cảng.


Vũ Ngọc Khánh