PDA

View Full Version : Khuyến cáo cẩn trọng khi sốt, ho phòng cúm H7N9



zongke
10-04-13, 22:09
Khi có các biểu hiện sốt, ho, khó thở, viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh, người bệnh nên nghĩ đến cúm H7N9 và đến bệnh viện sớm để được điều trị kịp thời.

Đây là nội dung Hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm H7N9 do Bộ Y tế ban hành ngày 10/4.

Theo đó, những trường hợp được xác định nghi nhiễm là có tiền sử đi vào vùng dich hoặc sống ở vùng có ca mắc, tiếp xúc gần với gia cầm và một số loài chim bị bệnh (nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, ăn tiết canh, thịt gia cầm chưa nấu chín...), tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán bị cúm H7N9. Ngoài ra, người có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp gồm sốt, ho, khó thở, viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh... cũng được xếp vào nhóm nghi ngờ.

Các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám tại bệnh viện, cách ly và làm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Khi đã mắc cúm H7N9 thì cần nhập viện điều trị cách ly hoàn toàn, sử dụng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt, hồi sức hô hấp là cơ bản.

Bệnh cảnh lâm sàng do virus cúm H7N9 gây ra chủ yếu là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển với tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, bệnh có thể nhầm với chủng cúm nặng khác như H1N1, H5N1..., viêm phổi do virus khác, bệnh tay chân miệng có biến chứng suy hô hấp, viêm phổi nặng do vi khuẩn.

Người bệnh được xuất viện khi đã hết sốt 3-5 ngày, toàn trạng tốt. Tuy nhiên, về nhà người bệnh vẫn phải tự theo dõi thân nhiệt, cách 12 giờ mỗi lần. Nếu thấy nhiệt độ cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác thì phải đi khám lại.

Để phòng bệnh, người dân không nên buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng thịt gia cầm chưa được kiểm dịch đúng quy định. Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, xì mũi bằng khăn hoặc giấy và vệ sinh tay. Đồng thời, sử dụng các biện pháp phòng hộ lao động và rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh khi tiếp xúc với gia cầm, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh đường hô hấp.

Tại Trung Quốc, số ca mắc cúm H7N9 đã tăng lên 28, tử vong 9 người. Trong đó, thành phố Thượng Hải - nơi đầu tiên phát hiện các ca mắc đã có 11 người bệnh và 5 người tử vong.

Nam Phương (VnExpress.net (http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/song-khoe/nhip-song/khuyen-cao-can-trong-khi-sot-ho-phong-cum-h7n9-2654768.html))

zongke
16-04-13, 12:24
Rửa tay thật sạch, tránh tiếp xúc với gia cầm chết, nấu thật kỹ thịt gia cầm khi chế biến thức ăn là những nguyên tắc hàng đầu giúp mọi người phòng ngừa cúm A/H7N9.

Virus cúm A/H7 là 'đại gia đình virus cúm' gồm nhiều thành viên nhưng thường chỉ gây bệnh ở các loại gia cầm. Các thành viên khác trong "gia đình" này là H7N2, H7N3 và H7N7 từng lây nhiễm sang người, nhưng H7N9 thì thế giới mới ghi nhận đầu tiên từ những ca ở Trung Quốc.


http://l.f13.img.vnecdn.net/2013/04/15/rua-tay-jpg-1365988110_500x0.jpg

Rửa tay là cách tốt nhất để phòng bệnh lây nhiễm nói chung và cúm A/H7N9 nói riêng. Ảnh: Thiên Chương
Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới vẫn chưa tìm ra lời đáp chính xác cho câu hỏi tại sao H7N9 từ gia cầm lại có thể lây cho người. Tuy nhiên, kết quả phân tích gene cho thấy virus này có những biến đổi để có thể phát triển trên các động vật có vú bao gồm cả con người. Cụ thể, virus H7N9 có khả năng bám dính vào được các tế bào của động vật có vú và có khả năng phát triển được trong môi trường nhiệt độ cơ thể bình thường của động vật có vú, vốn thấp hơn so với các loài gia cầm.

Một số trường hợp bị bệnh tại Trung quốc được xác định đã tiếp xúc với động vật trước đó. Virus đã được tìm thấy trong phân của chim bồ câu trong chợ chim ở Thượng Hải. Hiện tại Tổ chức y tế thế giới vẫn đang tiến hành nghiên cứu khả năng lây truyền từ động vật sang người cũng như là khả năng lây truyền từ người sang người của dòng virus cúm A/H7N9.

Cách phòng bệnh

Rửa tay là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu. Rửa tay trước, trong, và sau khi chuẩn bị thức ăn; trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; sau khi tiếp xúc, giết mổ, dọn dẹp chất thải động vật. Cuối cùng là rửa tay khi chăm sóc người bệnh hoăc khi có người trong nhà bị bệnh.

Cần rửa tay bằng xà bông và dưới vòi nước chảy khi thấy tay bị dính bẩn. Nếu không thấy tay bị dính bẩn, rửa tay bằng xà phòng với nước hoặc sử dụng một chất rửa tay có pha cồn.

Vệ sinh hô hấp cũng là điều cần chú ý. Khi ho hoặc hắt hơi, cần che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế, hoặc khăn giấy hoặc dùng tay che lại. Vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác đậy kín. Rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp.

Virus cúm A/H7N9 không lây truyền qua thực phẩm được nấu chín vì virus cúm sẽ bị tiêu diệt trên 70 độ C, do đó có thể ăn thịt lợn hay thịt gia cầm đã được nấu chín hoàn toàn. Không nên ăn thịt tái, huyết động vật hay tiết canh. Tránh ăn thịt động vật bị bệnh và động vật đã chết vì bệnh.

Hiện chưa có văcxin để phòng ngừa cúm A/H7N9, tuy nhiên, các nhà khoa học đã phân lập được virus từ các trường hợp mắc bệnh ban đầu. Tổ chức y tế thế giới cũng đang cùng các đối tác phân lập ra những chủng virus cúm A/H7N9 hiện có nhằm tìm phương cách hữu hiệu điều chế văcxin.

Về cách điều trị, theo Tổ chức y tế thế giới, qua thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, virus cúm A/H7N9 rất nhạy với các loại thuốc chống cúm (oseltamivir và zanamivir) từng được dùng trong điều trị cúm A/H1N1 và H5N1. Theo Bộ Y Tế Việt Nam, phác đồ điều trị hiện tại vẫn là hỗ trợ và hồi sức hô hấp cùng với sử dụng sớm thuốc chống virus cúm nêu trên.


Thạc sĩ - Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - TP HCM
(Tổng hợp và lược dịch theo tài liệu của WHO tháng 4/2013)
Nguồn: vnexpress.net