PDA

View Full Version : Khẩn cấp phòng chống cúm gia cầm



Chánh-BT
10-04-13, 00:03
Cúm A/H5N1 đã trở lại làm chết 1 bệnh nhi và lây nhiễm trên đàn chim yến nuôi ở Ninh Thuận. Trong khi đó, công tác phòng chống cúm A/H7N9 đang được triển khai khẩn trương
Trong khi các cơ quan chức năng đang ra sức phòng dịch cúm A/H7N9 thì cúm A/H5N1 trỗi dậy. Tại nước ta, trong năm 2012 có 4 ca mắc cúm A/H5N1, trong đó có 2 ca tử vong. Tình hình phòng chống dịch cúm đang rất cấp bách.

http://nld.vcmedia.vn/Wtoro7s1DDH7XnuNApm2tmWu84J3y/Image/2013/04/09/3anhThanh11_6bc4d.jpg

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời báo chí tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 9-4
sau khi kiểm tra công tác phòng chống cúm A/H7N9 tại nơi đây
Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Giám sát cúm A/H5N1
Ngày 9-4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã xác nhận ca tử vong đầu tiên trong năm 2013 vì cúm A/H5N1 là một bé trai 4 tuổi (ngụ xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh - Đồng Tháp).
Khoảng đầu tháng 4, người thân của bệnh nhi mua một con gà làm thịt. Tại thời điểm đó, bé trai này đang có triệu chứng sổ mũi ngồi xem, sau đó bé bị sốt cao nên được đưa đến trạm y tế xã. Chẩn đoán ban đầu, bệnh nhi bị suy hô hấp, trạm y tế đã đề nghị chuyển lên tuyến trên điều trị. Tuy nhiên, phải mất thêm 2 ngày sau khi gia đình đưa cháu đến khám tại phòng khám tư, bác sĩ mới yêu cầu chuyển bệnh nhi đến bệnh viện huyện. Khi được chuyển tiếp lên tỉnh điều trị thì quá muộn, cháu bé tử vong.
Trong tình hình cúm A/H5N1 đang quay trở lại, Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu tỉnh Đồng Tháp tăng cường giám sát, không để bệnh lây lan.
Chim yến nhiễm cúm A/H5N1
Trong khi đó tại Ninh Thuận, tuần qua, chim yến nuôi chết hàng loạt. Chiều 9-4, theo chỉ đạo của tỉnh, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm và các ngành chức năng đã có cuộc họp khẩn cấp với 54 hộ nuôi chim yến trên địa bàn TP để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh ở đàn chim.
Để có cuộc họp này là nhờ ý thức phòng chống dịch của ông Võ Thái Lâm, một thành viên trong HĐQT Công ty CP Yến Việt ở TP Phan Rang - Tháp Chàm. Theo đơn gửi các cơ quan truyền thông và các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận, công ty này có cơ sở nuôi yến rất lớn ở địa chỉ 594 Thống Nhất, TP Phan Rang - Tháp Chàm (hơn 100.000 con). Từ ngày 24-3, có khoảng 6.000 con chim yến chết. Ông Lâm đã báo với lãnh đạo công ty nhưng vì lợi ích cục bộ, công ty đã không có biện pháp phòng bệnh.
Ngày 1-4, ông Lâm đích thân lấy mẫu chim yến chết và nhờ ông Lâm Trọng Nhân (phường Phước Mỹ, TP Phan Rang - Tháp Chàm) đưa đi xét nghiệm ở Cơ quan Thú y Vùng 6 (TPHCM). Ngày 2-4, cơ quan này thông báo kết quả tất cả các mẫu chim yến chết đều nhiễm cúm A/H5N1. Thông báo này cũng được gửi đến Chi cục Thú y Ninh Thuận.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết quan điểm của tỉnh là không che giấu thông tin dịch bệnh, xác nhận thông tin chim yến bị nhiễm cúm A/H5N1 và sẵn sàng công bố tình trạng dịch bệnh theo đúng quy trình.
Tình hình như vậy là rất khẩn cấp và nguy hiểm vì theo khảo sát của Chi cục Thú y Ninh Thuận, 54 cơ sở nuôi chim yến trên đều nằm trong khu dân cư đông đúc với diện tích nuôi khoảng 50-300 m2/hộ, do vậy rất khó kiểm soát nếu xảy ra dịch bệnh. Hai sở NN-PTNT và Y tế cùng phối hợp với UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm đã triển khai khẩn cấp các biện pháp tiêu độc, khử trùng ở tất cả các cơ sở nuôi chim yến. Hôm nay (10-4), Bộ NN-PTNT sẽ cử đoàn công tác đến Ninh Thuận để giám sát và kiểm soát dịch bệnh. Cũng trong ngày hôm nay, tỉnh Ninh Thuận sẽ lập 2 đường dây nóng để kiểm soát dịch bệnh theo các số điện thoại: 068.800115 và 068.3824754.
Điều đáng lo là kiến thức về vệ sinh dịch tễ của các chủ cơ sở nuôi chim yến ở Ninh Thuận rất hạn chế. Ngay tại cuộc họp trên, nhiều người thản nhiên cho rằng loài chim này không thể mắc bệnh cúm gia cầm vì “chúng không có chân, không đậu được nên chỉ bay đi kiếm ăn ngoài trời suốt ngày, đến tối mới về nhà...”.
Nỗi lo cúm A/H7N9
Trong khi đó, cúm A/H7N9 vẫn là nỗi lo rất lớn dù chưa thâm nhập vào nước ta. Sáng 9-4, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài. Hiện Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tại cửa khẩu này đã đưa vào hoạt động 2 máy đo thân nhiệt cảm ứng, bảo đảm 100% hành khách được kiểm tra thân nhiệt và một khu vực cách ly tại chỗ đã hình thành.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã thành lập 5 đội cơ động phòng chống dịch, túc trực 24/24 giờ, chậm nhất 30 phút kể từ khi nhận lệnh, các thành viên phải lên đường đến xử lý các ổ dịch.
Ngày 9-4, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã có buổi kiểm tra và triển khai công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại TPHCM. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, đoàn đã kiểm tra hệ thống máy đo thân nhiệt từ xa đối với hành khách nhập cảnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM, cho biết trong 1 tuần qua, sân bay Tân Sơn Nhất đã tiếp nhận 64.000 lượt hành khách, trong đó có 6.000 lượt người đến từ vùng dịch (Trung Quốc) nhưng chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Hiện công tác chuẩn bị phòng chống cúm A/H7N9 đã sẵn sàng, như bố trí 15 nhân viên kiểm dịch làm việc 3 ca/ngày, 2 xe cứu thương chuyên dụng túc trực, thiết lập hệ thống cấp cứu 115…
PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho hay công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 đã được TP triển khai đến tất cả quận, huyện. Sở chỉ đạo các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, 115, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Trãi, Trưng Vương… chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp có dịch cúm xảy ra. Riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP làm đầu mối trong công tác thu dung, điều trị cúm cũng như tập huấn chuyên môn phòng chống cúm cho các đơn vị cơ sở.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết ngành y tế quyết tâm chặn dịch bệnh cúm A/H5N1, A/H7N9 ngay tại cửa khẩu. Bộ cũng đã báo cáo và ngay trong tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát công điện cho các địa phương trên cả nước phòng chống dịch bệnh.


NGỌC DUNG - LÊ TRƯỜNG - NGUYỄN THẠNH - Nguồn Báo nguoilaodong online (http://nld.com.vn/20130409110350493p0c1050/khan-cap-phong-chong-cum-gia-cam.htm)

Nghĩa-Q2
12-04-13, 15:59
(VTV News)- Chi Cục Thú y TP.HCM cho biết sẽ tăng cường tịch thu các loại gia cầm được nuôi trong nhà dân, để phòng tránh dịch cúm A/H7N9 và H5N1.

http://nw0.upanh.com/b1.s35.d2/9692da0ff6891a587671d0a8f3156538_54783490.13448207 03giagagiong1.jpg (http://upanh.com/view/?id=8rv7byfpacf)
Ảnh minh hoạ
Trên thực tế từ mấy năm nay, TP.HCM đã có lệnh cấm nuôi gia cầm trong thành phố song trước nguy cơ dịch cúm A/H5N1, H7N9 đã xuất hiện ở Campuchia và Trung Quốc và mới đây có một bệnh nhân ở Đồng Tháp bị phát hiện dương tính với H5N1, nên Chi cục Thú y Thành phố đã tăng cường phối hợp với các quận huyện để thu giữ gà, vịt nuôi trong nhà và được bán ở các chợ.

Ngoài việc thu giữ gia cầm nuôi và bán tại các chợ, ngõ hẻm, Chi cục Thú y TPHCM cũng đã lấy mẫu trên đàn chim bồ câu ở những địa điểm tham quan công cộng để kiểm tra hai loại virus nói trên.
TCTD
Nguồn:vtv.vn

zongke
13-04-13, 23:05
Sáng 13/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế - Bộ NN&PTNT đã cùng tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống cúm A/H7N9.

Nguy cơ cao, người lớn tuổi cần cảnh giác

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến hết ngày 12/4, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên cả người lẫn gia cầm. Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều lý do để lo ngại rằng cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát thành dịch lớn.

Theo PGS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì một trong những đặc điểm dịch tễ đáng chú ý của virus cúm A/H7N9 đang lưu hành ở Trung Quốc là độ tuổi mắc bệnh cao ở nhóm trên 60 tuổi, chủ yếu là nam giới.


http://imgs.vietnamnet.vn/Images/vnn/2013/04/13/15/20130413152814-a2--2-.jpg
Tỷ lệ gia cầm có virus cúm rất cao.

Tại Trung Quốc, trong tổng số 43 người nhiễm bệnh thì có tới 38 trường hợp tuổi từ 60 trở lên.

Hiện tại, Bộ Y tế đang tập trung thực hiện giám sát chặt chẽ tất cả các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu thông qua theo dõi thân nhiệt bằng hệ thống máy đo thân nhiệt từ xa và hệ thống giám sát cúm tại cộng đồng. Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên (nếu có) để kịp thời tổ chức cách ly và xử lý.

Bộ Y tế cũng đã tiến hành tổ chức tập huấn cho tất cả các tỉnh, thành phố về công tác giám sát, chẩn đoán, thu dung điều trị bệnh nhân.

Về công tác tuyên truyền, Bộ Y tế cho biết cần thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời đến người dân nhưng không gây hoang mang lo sợ.

Tỷ lệ gia cầm nhiễm các loại cúm rất cao

Báo cáo của Cục thú y (Bộ NN&PTNT) cho thấy: giám sát gia cầm tại 30 tỉnh, thành thì có tới 29 tỉnh, thành có virus cúm A; 23/30 tỉnh thành có virus cúm H5 và 20/30 tỉnh thành có virus cúm H5N1.

2 mẫu vịt tại An Giang và Đồng Tháp được phát hiện dương tính với virus cúm H7, tuy nhiên, không có mẫu virus cúm H7 nào của Việt Nam giống với virus cúm H7N9 đang gây bệnh tại Trung Quốc hiện nay.

Kết quả giám sát cho thấy các tỉnh có tỷ lệ dương tính cao với virus cúm H5N1 là Thanh Hóa (10,4%), Đồng Tháp (6,5%), Tiền Giang (4,2%), Lạng Sơn (4%) và Hà Tĩnh (3,4%). Kết quả cho thấy từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm, tỷ lệ dương tính cao hơn so với các tháng đầu năm.

Đối với các loại chim, ngoài đàn chim yến ở Ninh Thuận được phát hiện dương tính với virus cúm A/H5N1 thì còn có chim trĩ ở Tiền Giang cũng dương tính với loại virus này.

Cục Thú y cho biết, đã xây dựng và bắt đầu triển khai giám sát chủ động nhằm phát hiện xem có virus cúm A/H7N9 tại 60 chợ, điểm thu gom gia cầm thuộc 9 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định). Việc lấy mẫu này được thực hiện liên tục trong 4 tuần tới.

Trước mắt, trong tuần này, Cục Thú y sẽ xét nghiệm xác định virus cúm H7, H7N9 trong các mẫu đang lưu trữ tại Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương, các mẫu chim yến ở Ninh Thuận và chim trĩ ở Tiền Giang.

Tình hình nhập lậu gia cầm vẫn được Bộ NN&PTNT đánh giá là khó kiểm soát. Đối với gia cầm sống, nhiều trường hợp được đưa về tập kết tại một nơi sâu trong nội địa như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên để nuôi tiếp, sau đó mới vận chuyển tới các địa phương khác để tiêu thụ.

Lập chương trình giám sát chung giữa 2 Bộ

Tại cuộc họp, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, virus cúm H5N1 đang hiện diện trong nước, có tới 60% mẫu gia cầm xét nghiệm có virus. Ngày 9/4 vừa qua đã có một cháu nhỏ tử vong. Do đó, nguy cơ về dịch H5N1 là có thực và đáng lo ngại.

Theo ông Phát, để không có người bệnh thì đầu tiên gia cầm không mắc bệnh. Mục tiêu là không có dịch trên gia cầm thì sẽ không có dịch trên người. Muốn vậy cần có sự tham gia triệt để của người dân.

Với dịch cúm A/H7N9, ông Phát cho biết, Tổ chức nông lương Liên hợp quốc khuyến cáo chưa nên sử dụng vắc-xin đối với gia cầm. Do đó, các biện pháp cần triển khai ở thời điểm hiện tại là giám sát, an toàn sinh học tiêu độc khử trùng, chấm dứt buôn lậu.

Để hiệu quả, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Y tế thiết lập Chương trình giám sát virus cúm A/H7N9 giữa 2 Bộ để cùng phối hợp phòng, chống.

Cúm H7N9 ở Trung Quốc: 43 người mắc, 11 người chết:

Theo số liệu mới nhất, tính đến ngày 13/4, cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đã khiến 43 người mắc bệnh và 11 người tử vong.

Tính đến thời điểm này, theo thống kê của Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO), virus cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đã được tìm thấy trên gà, vịt, chim bồ câu, chim cút và người.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) khẳng định vẫn chưa xác định được nguồn và phương thức lây bệnh với cúm A/H7N9.

Tuy nhiên, phân tích gien cho thấy virus cúm A/H7N9 có những thay đổi để thích ứng với động vật có vú. Vẫn chưa có vắc-xin cúm A/H7N9, chưa có kinh nghiệm thực tế nào về điều trị cúm A/H7N9 bằng Tamiflu.

TS. Scott Newman đại diện của tổ chức FAO cho biết cúm A không lây truyền qua đường thức ăn chín, thức ăn an toàn và khuyến cáo người dân không nên sử dụng gia cầm ốm chết.


Theo vietnamnet.vn (http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/117063/canh-giac-cum-a-h7n9-o-nguoi-cao-tuoi.html)

Chánh-BT
17-04-13, 23:18
"Cấp trên đồng ý, tỉnh sẽ công bố dịch cúm chim yến"
Lúc 16h chiều 16/4, UBND tỉnh Ninh Thuận cùng Cơ quan thú y Vùng 6 và các cơ quan chức năng liên quan họp bàn biện pháp khống chế và tiếp nhận kiến nghị tiêu hủy toàn bộ số chim yến tại rạp Thanh Bình thuộc Công ty Yến Việt nơi đã có số chim yến dương tính với cúm A/H5N1.
http://imgs.vietnamnet.vn/Images/vnn/2013/04/17/10/20130417104604-dscf4491.JPG
Tiêu hủy toàn bộ số chim yến đang nuôi tại rạp Thanh Bình số lượng ước tính khoảng 100.000 con.

Theo báo cáo từ ngày 9-15/4, Cơ quan Thú y vùng 6 đã xét nghiệm 13/17 mẫu gộp chim chết, 35/46 mẫu gộp chim sống, 24/30 mẫu gộp tổ yến, 105/120 mẫu gộp phân chim nhưng chỉ có 13 mẫu gộp chim yến chết là dương tính; các mẫu gộp chim sống, tổ, phân hoàn toàn âm tính.

Ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 đã kiến nghị tỉnh Ninh Thuận cho tiêu hủy toàn bộ số chim yến đang nuôi tại rạp Thanh Bình số lượng ước tính khoảng 100.000 con đã chết gần 5.000 con trong thời gian xảy ra dịch cúm H5N1 tại địa điểm này.

Ông Trần Xuân Hòa - Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch động vật đã đồng ý với kiến nghị tiêu hủy đàn yến và công bố dịch của cơ quan chuyên môn. “Song đây là lần đầu tiên trên thế giới có chim yến nuôi bị cúm A/H5N1 nên tỉnh phải xin ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm về việc có đồng ý tiêu hủy hay không.” - ông Hòa nói.

Theo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm (H5N1) ở gia cầm không nêu trường hợp của chim yến nên đơn vị chủ quản của số chim nói trên sẽ không nhận được hỗ trợ tiền bồi thường theo quy định hiện hành.

Kết thúc cuộc họp, tỉnh Ninh Thuận đề nghị cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp tối ưu nhất để xử lý đàn chim yến hơn 100.000 con tại cơ sở Thanh Bình trước khi công bố dịch.

Võ Tấn (Vietnamnet.vn)

* Chim yến nuôi chết tại TP Tân An, tỉnh Long An

Cùng ngày, ông Đinh Văn Thế - chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An - xác nhận tại hộ nuôi chim yến ở địa chỉ 134 Hùng Vương, P.2, TP Tân An có ba con chim yến bị chết. Ông Thế cho biết thêm hộ nuôi yến trên chăn nuôi theo kiểu tự phát với số lượng khoảng 400 con. Hiện tại Chi cục Thú y Long An đã xử lý, cách ly hiện trường theo đúng quy định, đồng thời gửi mẫu chim yến chết để xét nghiệm nguyên nhân chết. Nếu kết quả dương tính với cúm A/H5N1 thì Chi cục Thú y Long An sẽ buộc tiêu hủy hoàn toàn số chim yến tại cơ sở này để tránh tình trạng lây lan dịch và lên các phương án phòng chống dịch kịp thời.
D.THANH-V.KỲ-S.LÂM

Thang_Q5
18-04-13, 18:27
Tình hình dịch cúm chưa có chiều hướng suy giảm , để đảm bảo tính mạng cho mình người thân và cộng động ta nên thực hiện cách biện pháp phòng chống dịch tại nhà như sau:

1. Dọn dẹp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.

2. Xịt thuốc sát trùng Vikons..vv..hoặc thuốc tẩy có tính năng diệt khuẩn có bạn tại tạp hóa gần nhà . Ta có thể phun thuốc sát trùng vào chuồng trại ít nhất mỗi tuần 1 lần đến 2 lần.

3. Đeo khẩu trang tiếp xúc với gia cầm hoặc trong lúc cho bồ câu ăn.

4. Rửa tay bằng xà bông sau khi tiếp xúc với gia cầm.

5. Giảm thả các chiến binh ra ngoài tránh tình trạng lây lan từ chim yến và chim sẽ sang bồ câu (vì hiện nay chim yến và chim sẽ là nguy cơ lây bệnh cao).

6. Rào chắn chuồng trại kỹ lưỡng tránh chim se sẻ mang bệnh vào căn cứ.

7. Không nên mang bồ câu đi tập huấn để tránh mang bệnh về nhất là những nơi đã công bố dịch.

8. Cố gắng bỏ chút thời gian kiểm tra đàn chim, gà nhà và các loại gia cầm khác... nếu có dấu hiệu bệnh nên xử lý hoặc thiêu hủy đừng nên tiếc 1 chiến binh mà gây hại cho đàn và người thân mình.

Chánh-BT
19-04-13, 00:33
Ninh Thuận xem xét công bố dịch ở đàn chim yến

Đến tối 18-4, UBND tỉnh Ninh Thuận mới nhận được văn bản của Bộ NN-PTNT hướng dẫn xử lý đàn chim yến bị nhiễm cúm A/H5N1 theo quy trình công bố dịch. Chiều cùng ngày, Ninh Thuận đã tiêu hủy toàn bộ đàn chim non và trứng tại cơ sở Thanh Bình. Cơ sở này cũng đã thu gom toàn bộ số tổ trong nhà chim để gửi kiểm dịch. Trong một diễn biến khác, cơ quan thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết đã xuất hiện đàn vịt nhiễm cúm A/H5N1 tại một hộ dân ở huyện Ninh Sơn.

Cùng ngày, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã làm việc với lãnh đạo các sở, ngành về việc triển khai các công tác phòng chống dịch bệnh. TPHCM đã phát hiện đàn vịt 11 con của một người dân kinh doanh trái phép tại quận Bình Tân có nhiễm virus cúm A/H5N1 và đã tiêu hủy.

Trong khi đó, Bộ Y tế cũng đã tổ chức hội nghị tập huấn phòng chống cúm A/H7N9 tại TPHCM.
L.Trường-S.Nhung-N.Thạnh(báo nguoilaodong)

zongke
23-04-13, 22:23
Trong các chủng cúm lưu hành hiện nay thì H1N1 đang phát triển trội lên, chiếm 48%, trong khi năm ngoái tỷ lệ này chỉ là 5-7%. Từ đầu năm đến nay cũng đã có 3 ca tử vong vì nó.

Thông tin được đưa ra tại buổi họp ban chỉ đạo phòng chống dịch diễn ra tại Hà Nội sáng 23/4.

Tiến sĩ Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, trong số gần 1.000 mẫu bệnh phẩm hô hấp được thu thập có gần 120 mẫu dương tính với cúm, chiếm hơn 12%. Trong đó nổi bật lên là cúm H1N1, sau đó là cúm B và H3N2. Tương tự, trong số 335 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, thì tác nhân cúm chiếm hơn 8%, trong đó cũng ghi nhận sự trội lên của virus H1N1.

"Vào thời điểm đại dịch năm 2009, chủng cúm H1N1 này chiếm đến 90-95%, sau đó có những lúc gần như biến mất, bị cúm B và cúm H3N2 thay thế, giờ lại phát triển trội lên. Tuy nhiên, đây cũng là quy luật bình thường của cúm mùa", tiến sĩ Dương cho biết.


http://l.f13.img.vnecdn.net/2013/04/23/cumh1n1-jpg-1366707198-1366707280_500x0.jpg
Cúm H1N1 dễ diễn biến nặng lên ở nhóm người cao tuổi, trẻ, thai phụ, người mắc bệnh mãn tính. Ảnh: P.N.

Cũng theo tiến sĩ Dương, cúm H1N1 lưu hành như một cúm mùa thông thường nhưng người dân không nên chủ quan. Bản chất của cúm là bệnh nghiêm trọng, có thể gây tử vong. Trên thế giới mỗi năm ghi nhận 250-500.000 ca tử vong vì cúm.

Trong đó, cúm H1N1 nguy hiểm hơn vì có thể lây từ người sang người, chính vì thế virus này từng gây ra đại dịch trên toàn thế giới vào năm 2009. Đa phần các ca nhiễm cúm là nhẹ, tự khỏi bệnh nhưng vẫn có tỷ lệ tử vong nhất định. Nguy cơ tử vong cao hơn ở người già, trẻ em, thai phụ hoặc người mắc bệnh mãn tính.

"Các nghiên cứu gần đây cho thấy chưa có sự biến đổi về độc lực theo hướng mạnh lên của chủng cúm này. Còn việc có những người trẻ, khỏe nhưng vẫn có thể tử vong là vì đây là những người có cơ địa mẫn cảm nên khi bị bệnh dễ tiến triển nhanh, gây suy hô hấp, suy đa phủ tạng và tử vong", tiến sĩ Dương nói.

Giáo sư Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, cúm H1N1 chỉ có ở trên người, lan truyền theo đường hô hấp nên lây rất nhanh. Từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa, Yên Bái đều đã ghi nhận các chùm ca bệnh.

Theo ông, các Viện cần nghiên cứu dịch tễ học sâu hơn để lý giải đường lây ở đâu, tại sao năm 2012 ít đến năm 2013 lại bùng lên lớn, từ đó đưa ra các khuyến cáo phù hợp.

Các chuyên gia khuyến cáo, những trường hợp sốt cao, khó thở cần đến cơ sở y tế ngay, không được chủ quan để ở nhà. Thực tế, các ca H1N1 biến chứng nặng đều do đến viện quá muộn, mất đi “thời gian vàng” dùng tamiflu là 3 ngày đầu khi có biểu hiện bệnh. Thuốc có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus trong cơ thể, làm bệnh diễn biến nhẹ hơn.

Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vắcxin để phòng bệnh. Đồng thời tuân thủ các biện pháp phòng cúm nói chung như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Khi bị cúm thì nên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi.

Ngoài ra, người dân cũng không nên lơ là với dịch cúm gia cầm H5N1. Từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 2 ca mắc tại Long An, Đồng Tháp, một trường hợp tử vong. Hiện dịch trên gia cầm diễn biến hết sức phức tạp, đáng chú ý hàng nghìn con chim yến đã bị tiêu hủy.

Trong khi đó, tại Trung Quốc dịch cúm H7N9 chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Đến nay đã có 104 trường hợp mắc, 21 người tử vong. Hiện mới có 13 trường hợp xuất viện, vẫn chưa xác định được nguồn truyền nhiễm. Thực tế, hơn 50% không xác định nguồn truyền nhiễm, vì thế chưa loại trừ nguyên nhân bệnh lây từ người sang người dù chưa rõ.

Có nguồn gốc từ lợn, cúm H1N1 bùng phát mạnh mẽ vào năm 2009, tốc độ lây lan cao. Tại Việt Nam, hàng nghìn người đã nhiễm virus cúm và hơn 50 người tử vong. Từ đầu năm đến nay, cũng đã ghi nhận 3 ca tử vong vì cúm H1N1, gồm một thanh niên 23 tuổi và một người đàn ông 46 tuổi, đều ở Yên Bái và một bé gái 12 tuổi ở Thanh Hóa.


Nam Phương (VnExpress.net)

zongke
24-04-13, 22:20
Chi Cục Thú y TP.HCM cho biết sẽ tăng cường tịch thu các loại gia cầm được nuôi trong nhà dân, để phòng tránh dịch cúm A/H7N9 và H5N1.

Trên thực tế từ mấy năm nay, TP.HCM đã có lệnh cấm nuôi gia cầm trong thành phố song trước nguy cơ dịch cúm A/H5N1, H7N9 đã xuất hiện ở Campuchia và Trung Quốc và mới đây có một bệnh nhân ở Đồng Tháp bị phát hiện dương tính với H5N1, nên Chi cục Thú y Thành phố đã tăng cường phối hợp với các quận huyện để thu giữ gà, vịt nuôi trong nhà và được bán ở các chợ.

Ngoài việc thu giữ gia cầm nuôi và bán tại các chợ, ngõ hẻm, Chi cục Thú y TPHCM cũng đã lấy mẫu trên đàn chim bồ câu ở những địa điểm tham quan công cộng để kiểm tra hai loại virus nói trên.


TCTD (VTV.vn)

---------------------------------------------------
UBND TPHCM vừa ra chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn TP.

Theo đó, Chủ tịch UBND các quận – huyện triển khai ngay các hình thức thông tin, truyền thông cảnh báo người dân về nguy cơ, tác hại của cúm gia cầm; vận động người dân chủ động phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; khuyến cáo người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch. Chủ tịch UBND quận – huyện cũng được giao bố trí lực lượng chốt chặn, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây lan xẩy ra trên diện rộng; kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển gia cầm trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa ngõ giáp ranh các tỉnh; kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học (kể cả chăn nuôi gà đá), kinh doanh, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm sống trái phép, không rõ nguồn gốc; chỉ đạo Ban quản lý các chợ chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND TP thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành TP về công tác triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch cúm gia cầm trên địa bàn TP; chỉ đạo Cục thý y giám sát tình hình dịch tễ trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh, tình hình chấp hành các quy định trong vận chuyển, giết mổ, kinh doanh tại trạm đầu mối giao thông, các cơ sở giết mổ, các chợ và các điểm kinh doanh sản phẩm gia cầm…

Sở Y tế tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1, H7N9) trên người đến từng hộ dân nhằm nâng cao cảnh giác trước nguy cơ bùng phát dịch và nâng cao nhận thức tự bảo vệ bản thân và cộng đồng; rà soát, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm ở người tại TP; thực hiện cơ chế giám sát nhằm phát hiện và cách ly kịp thời các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ cúm gia cầm ở người.


http://nw4.upanh.com/b5.s38.d3/4358ac9fceaab114304fcc10a6faaa9a_55098514.1.jpg (http://upanh.com/view/?id=crtd9dck1do)
http://nw9.upanh.com/b2.s38.d3/ad7d132f779fe319322b2e2a6fd5b83c_55098529.2.jpg (http://upanh.com/view/?id=8rt04d2k2qd)
http://nw4.upanh.com/b4.s37.d4/38b17e734add825624f71e82af19d19d_55098534.3.jpg (http://upanh.com/view/?id=frt29d1k0dw)
http://nw9.upanh.com/b6.s36.d1/580d07bdf385170b5633c2a529062f9c_55098549.4.jpg (http://upanh.com/view/?id=4rtb2ddkaqm)

Nghĩa-Q2
25-04-13, 16:00
TT - Để phòng tránh lây nhiễm cúm từ gia cầm, chúng ta không được ăn trứng sống, tiết canh, phải rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc gia cầm sống...


http://nw8.upanh.com/b1.s36.d2/c69cfeb0ad285259f46ef3a2996866e8_55116478.629334.j pg (http://upanh.com/view/?id=frt54h5q9wg)
Hạn chế tiếp xúc với chim/gia cầm sống hoặc phải rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc - Ảnh: T.T.D.

Một điều cần lưu ý là gia cầm khỏe mạnh vẫn có thể mang virút gây bệnh. Do đó người lớn cần dạy trẻ con nằm lòng những nguyên tắc sau:

- Tránh tiếp xúc gia cầm, lông, phân và các chất thải khác của gia cầm.

- Không chơi với gia cầm hoặc nuôi làm cảnh.

- Rửa tay bằng xà phòng và nước sau tiếp xúc với chim/gia cầm và luôn rửa tay trước khi ăn.

Nếu bạn hoặc con bạn tiếp xúc với gia cầm như sờ mó vào chim, chạm vào phân chim hoặc phân động vật khác, hoặc giẫm lên đất có phân gia cầm cần phải:

"Đến ngay cơ sở y tế khi bạn có những dấu hiệu bệnh như sốt và/hoặc có các triệu chứng cúm, báo cho nhân viên y tế biết nếu bạn đã tiếp xúc với người nghi mắc cúm gia cầm"

- Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước.

- Cởi giày, dép để ngoài nhà và rửa thật sạch giày dép.

- Tới ngay cơ sở y tế gần nhất nếu bị sốt cao (trên 38OC).

Khi bạn chế biến thực phẩm:

- Đừng bao giờ làm thịt hoặc chế biến gia cầm nếu rõ ràng chúng đã bị bệnh hoặc chết do bệnh.

- Nếu được nấu chín kỹ, thịt gia cầm sẽ an toàn cho người tiêu dùng. Nghĩa là miếng thịt không còn màu hồng và không còn màu đỏ máu.

- Virút cúm có thể ở bên trong quả trứng hoặc ở trên vỏ. Trứng cần được nấu kỹ, lòng đỏ không còn sệt hoặc lỏng (luộc chín lòng đỏ).

- Không ăn thức ăn sống làm từ các sản phẩm gia cầm, ví dụ tiết canh vịt.

- Khi cầm nắm gia cầm trong lúc chế biến món ăn, không được sờ tay lên mũi, mắt, miệng.

- Rửa tay thường xuyên kể cả sau khi cầm gà đông lạnh hoặc đang tan băng, vỏ trứng hoặc trứng sống.

- Rửa kỹ hai bàn tay bằng xà phòng, rửa thật kỹ bề mặt và các dụng cụ tiếp xúc với thịt sống.

- Để riêng thịt sống, thức ăn chín, hoặc rau có thể ăn ngay để tránh nhiễm chéo.

- Không dùng chung dao, thớt cho rau, thực phẩm chín và thực phẩm sống.

- Không cầm thực phẩm sống và thực phẩm chín nếu không rửa tay giữa hai lần cầm.

- Không để thịt đã nấu vào cùng đĩa hay những bề mặt trước đó đã đặt thịt sống nếu không rửa sạch đĩa.

Những đề phòng cho người giết mổ gia cầm:

- Không mua gà chết để làm thịt. Chỉ làm thức ăn từ những con gia cầm khỏe mạnh.

- Sử dụng những vật dụng bảo hộ cá nhân như tạp dề nhựa, khẩu trang, găng tay, mắt kính, ủng.

- Rửa tay thường xuyên.

- Khi giết mổ, moi ruột, làm lông, hãy tránh làm lây nhiễm cho bạn và môi trường trong nhà từ máu, bụi, lông, phân và các chất thải khác của gia cầm.

- Tốt nhất là nhúng gia cầm vào nước sôi trước khi vặt lông.

- Không đụng chạm vào các đồ vật khác và tránh sờ vào mặt (ví dụ như dụi mắt) trong suốt quá trình làm thức ăn, trừ khi bạn đã rửa tay bằng xà phòng và nước.

- Thường xuyên dọn sạch chuồng, các dụng cụ bằng nước tẩy và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

- Giết mổ xong, dọn sạch khu vực giết mổ bằng thuốc tẩy.

- Sau khi làm gia cầm xong, tắm bằng xà phòng, nước và thay quần áo. Giặt riêng quần áo đã mặc, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

Người bệnh cúm cần:

- Dùng khăn giấy che mũi và miệng khi ho, hắt hơi rồi bỏ vào sọt rác sau khi dùng xong. Dạy trẻ em cũng làm như vậy.

- Luôn rửa tay bằng xà phòng và nước sau mỗi lần tiếp xúc với chất tiết từ mũi, miệng vì chúng có thể mang virút.

- Tránh sờ tay vào mũi, mắt, miệng.

- Trẻ em thường có xu hướng sờ lên mặt, mắt, miệng bằng tay chưa rửa. Hãy dạy trẻ em về sự quan trọng của rửa tay sau khi ho, hắt hơi và sau khi cầm nắm đồ vật bẩn.

- Đến ngay cơ sở y tế nếu bạn có các dấu hiệu bệnh như sốt và/hoặc có các triệu chứng của cúm và báo cho nhân viên y tế biết là bạn đã tiếp xúc với gia cầm nếu có.

BS LÊ ĐỨC THỌ (Theo WHO)
nguồn: tuoitre

zongke
03-05-13, 09:37
Trước tình hình cúm H1N1 đang bùng lên mạnh mẽ, Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai, người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính khi nghi ngờ bị cúm cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.

Theo báo cáo giám sát của các tỉnh thành, trong 3 tháng đầu năm đã có trên 300.000 ca nhiễm cúm, trong đó 3 người tử vong do H1N1 tại Yên Bái (2 ca) và Thanh Hóa (1 ca).


http://l.f13.img.vnecdn.net/2013/05/02/cumh1n1-1-jpg-1367490904_500x0.jpg
Phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ... đều là nhóm bệnh dễ chuyển biến nặng khi nhiễm cúm H1N1. Ảnh: P.N.

Kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia cũng ghi nhận sự xuất hiện của cúm B và 2 phân tuýp của virus cúm A là H1N1 và H3N2. Trong đó, cúm H1N1 chiếm tỷ lệ 46% số mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm. Tại Lào Cai gần đây xuất hiện 2 ổ dịch cúm H1N1 gồm: một gia đình ở làng Tòng, phường Quang Kim, huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai với 5 người mắc và tại trường Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai với 46 ca bệnh.

Bộ Y tế đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi, phát hiện các ổ dịch. Đặc biệt việc phát hiện sớm bệnh nhân nặng điều trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị lấy mẫu tất cả các trường hợp viêm phổi nặng để xét nghiệm xác định chủng gây bệnh, đồng thời nghiên cứu sự biến đổi gene của virus.

Bộ cũng khuyến cáo người dân khi có các biểu hiện cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi nên chủ động đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời, hạn chế lây lan. Các cơ quan, xí nghiệp, trường học chủ động theo dõi sức khỏe của người lao động, học sinh, sinh viên, kịp thời phối hợp với y tế cơ sở thực hiện các biện pháp phòng, chống tránh lây bệnh cho những người xung quanh. Bên cạnh đó tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền phòng chống cúm.

Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm cúm. Các hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, cúm H1N1 đã qua giai đoạn đại dịch, bước vào giai đoạn hậu đại dịch từ tháng 8/2010. Hiện chưa phát hiện sự biến đổi gene của virus này. Hàng năm trên thế giới ghi nhận khoảng 5 triệu trường hợp mắc cúm nặng và có từ 250.000 đến 500.000 ca tử vong. Tỷ lệ chết trong số các trường hợp nặng là 5-10%.

Nam Phương (VnExpress.net)