PDA

View Full Version : “Chiến binh hòa bình” với những chuyến bay ngàn dặm



Chấn PG
26-10-12, 13:10
Nguồn: báo điện tử congan.com.vn


http://www.congan.com.vn/dulieu6/TratTu-XaHoi/10_12/15CHIEN_BINH_33.jpg
“Độc bá lưỡng quan” giá 33 triệu đồng

Xuất phát từ Ga Đà Nẵng, 40 “chiến binh hòa bình” phải vượt hơn 600km đường chim bay để có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Trải qua 33 giờ 42 phút, “chiến binh” Sò Phúc Q11 đã về đích đầu tiên, thứ nhì là “chiến binh” Anh Hà với 34 giờ 17 phút, kế tiếp là “chiến binh” Anh Quốc với 34 giờ 37 phút. Đây là cuộc đua khá quy mô vừa được Hội bồ câu Việt Nam tổ chức. Ngày 27-10-2012, các “chiến binh hòa bình” sẽ có cuộc đua tranh giải “Viễn chinh” từ Tuy Hòa về thành phố Hồ Chí Minh hơn 380km. Việc nhiều hội bồ câu ra đời, thường xuyên tổ chức những giải đua lành mạnh đã đẩy lùi được nạn cá cược bồ câu ăn tiền...

Từ “đua giang hồ”

Một tay đua bồ câu kỳ cựu cho biết, khoảng 10 năm trước đây ở TPHCM (khu vực Chợ Lớn) một số con bạc đã sử dụng bồ câu đua để cá cược ăn tiền với tên gọi rất ngộ nghĩnh như “đua giang hồ”, “đua chợ”... Cuộc đua thường có hai bồ câu do hai bên chọn rồi ra “kèo” thách đấu. Ngoài chủ xị, mỗi bên đều có nhiều con bạc ăn ké nên số tiền cá cược khá lớn, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng. Đôi khi cũng có hai, ba, bốn bên cùng thách đấu, bên nào có bồ câu về nhất thì hốt trọn số tiền cá cược.

Quãng đường “đua giang hồ” thường ngắn, bồ câu bay trong vài giờ đồng hồ thì tới đích. Các tay cá cược chọn địa điểm xuất phát ở gần biển như Long Hải, Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang... Sau khi “trọng tài” thu tiền cá cược của mỗi bên xong, hai bên cho “nài” mang chim đua lên ôtô chạy đến điểm xuất phát. Bồ câu được thả ra liền cất cánh bay trở về nhà ở các quận 5, 6, 8, 11. Khi tới đích, các tay cá cược tức tốc đưa chim đến điểm hẹn thường là khu vực chợ chim Nguyễn Thị Nhỏ hay chợ Bình Tây. Do giao kèo ai đưa chim bằng xe máy đến điểm hẹn trước thì thắng nên các con bạc tiếp tục cho người “đua tốc độ”. Như vậy ngoài đua chim còn có thêm đua xe, dễ dẫn đến tai nạn giao thông rất nguy hiểm.

Một tay cá cược tiết lộ, đua bồ câu thích hơn đá gà, đá chim hay đá dế... rất nhiều, càng thú vị hơn nếu có nhiều bên cùng chơi vì phải chờ đợi nhiều giờ trong sự lo lắng, hồi hộp. Đôi khi xảy ra chuyện cả hai chú bồ câu sau khi thả bay đi đâu không rõ, đến một hai ngày sau mới về đến nhà nên hai bên “huề cả làng”! Tay cá cược tiết lộ, hiện tại “đua” bồ câu “câu” tiền không còn như trước đây nhưng thỉnh thoảng vẫn diễn ra. Việc xử lý cũng chẳng hề đơn giản do rất khó phát hiện, các tay cá cược và con bạc thì ngày càng thủ đoạn và tinh vi hơn trước rất nhiều.

Đến đua “hòa bình”

Anh Nguyễn Hà ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, người có 10 năm sống với nghề nuôi bồ câu đua, cho biết TPHCM hiện có ba hội bồ câu đua, gồm: Hội bồ câu Việt Nam, Hội bồ câu đua Q8 và Hội bồ câu đua Chợ Lớn, tập hợp hơn 150 thành viên (dân trong nghề gọi là “căn cứ”) với hàng trăm “chiến binh hòa bình” (tên thân mật của bồ câu đua). Mỗi năm có hơn 10 cuộc đua “hòa bình” lớn nhỏ do ba hội trên tổ chức. Không chỉ TPHCM, hai thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng cũng có hội bồ câu đua, thường tổ chức các giải “Cánh chim phương Bắc”...

Theo anh Hà, các cuộc đua “hòa bình” tại TPHCM được chia thành ba thể loại: đua “chặng” (Đà Lạt - TPHCM, Nha Trang - TPHCM, Quy Nhơn - TPHCM, Đà Nẵng - TPHCM...), đua “tiến lên” (các “chiến binh” phải tham gia nhiều cuộc đua với khoảng cách tăng dần) và đua “bốn hướng” (địa điểm thả các “chiến binh” xuất phát theo bốn hướng). Anh khẳng định những cuộc đua này mang tính lành mạnh, trong sáng, được đầu tư chuẩn bị chu đáo, tổ chức khá bài bản và ngày càng chuyên nghiệp.

Trước khi đua, những “chiến binh” tham gia được tập trung lại để ban tổ chức đóng dấu giáp lai trên cánh, dán tem có mã số bí mật trên kiềng đeo ở chân (ban tổ chức giữ một tem để đối chiếu), sau đó đưa “chiến binh” vào lồng chuyên biệt mang lên xe chuyển đến nơi xuất phát. Nếu quãng đường gần thì vận chuyển bằng ôtô, xa thì đi xe lửa, nếu ra đảo thì sử dụng tàu thủy... Trên đường các “chiến binh” vẫn được “nài” (là thành viên ban tổ chức) cho ăn uống bình thường để lấy sức. Không chỉ chăm sóc, “nài” còn có nhiệm vụ thả các “chiến binh”. Một “nài” tên Cường (cũng là tay nuôi bồ câu đua có tiếng) tâm sự: “Dù chỉ mới là điểm xuất phát nhưng tôi cũng hết sức hồi hộp. Sau khi sổ lồng, thấy các “chiến binh” chao mình đảo cánh rồi định vị, chọn đúng hướng để bắt đầu cuộc hành trình là tôi vui còn hơn trúng số. Sự cố mà “nài” Cường lo sợ chính là những nguy hiểm luôn rình rập bồ câu trên đường đua như vướng bẫy, bị người khác bắt làm thịt, gặp gió to bão lớn rơi xuống biển hoặc mèo vồ, chim cắt tấn công...

Khi “chiến binh” về đến nhà, các “căn cứ” lấy tem cào mã số bí mật rồi nhắn tin ngay về cho ban tổ chức. Thường với các cuộc đua lớn, những “căn cứ” có chiến binh về nhất, nhì và ba ngoài phần thưởng còn nhận cúp của ban tổ chức.

Có rất nhiều “chuyện không thể ngờ” quanh các “chiến binh” này. “Nài” Cường kể: “Một chuyện cười ra nước mắt thường xảy ra là “chiến binh” về đích sớm nhưng lại không chịu vào chuồng mà cứ đậu mãi trên cành cây cao hay nóc nhà. “Căn cứ” không lấy được tem nên chỉ biết đứng cười trừ! Đến khi “chiến binh” vào chuồng thì đã muộn”. Một “chiến hữu” của anh Cường tiếp lời: “Trải qua nhiều cuộc đua, bọn tôi dễ dàng tính toán, ước lượng được thời gian về đích. Trên thực tế có “chiến binh” về trước thời gian dự đoán, có con về chậm một chút và cả những “chiến binh” trễ một vài ngày. Cá biệt có con sau hai tuần hay cả tháng mới về đến nhà với thân hình không còn nguyên vẹn do gặp sự cố, nhưng may mắn thoát khỏi nanh vuốt tử thần khiến bọn tôi mừng đến rơi nước mắt! Anh em “căn cứ” thường gọi đây là những “chiến binh kiêu hùng” phải được chăm sóc đặc biệt để sau này nhân giống”.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Để có một “chiến binh” bay xa ngàn dặm, khả năng định vị siêu hạng, từ khoảng cách hàng ngàn cây số vẫn tìm về “mái ấm” quả không đơn giản chút nào, phải khổ luyện suốt thời gian dài. Anh Hà chia sẻ, khâu quan trọng đầu tiên là chọn giống, bồ câu “chiến binh” thường có mắt màu vàng hoặc đỏ rực lửa, vành mắt trắng, mũi rất to, được nuôi dưỡng từ khi mới ra đời với chế độ đặc biệt. Ngoài thức ăn là các loại ngũ cốc, người nuôi còn phải tăng cường các loại thuốc bổ, vitamin, khoáng chất được nhập về. Từ 6 đến 8 ngày tuổi, “chiến binh” được đeo một đến hai chiếc kiềng bằng nhôm hay nhựa, ghi năm sinh, mã số, mã hội (như “VNPC” tức bồ câu VN hay “HCM-Q8” tức Hội bồ câu đua Q8). Ngoài ra còn có các loại kiềng danh định (kèm theo tên chủ chim, số điện thoại, ký hiệu riêng...) sẽ theo “chiến binh” suốt đời.

Bồ câu được nuôi lớn khoảng hai đến ba tháng thì tập bay. Lúc đầu, chủ cho chúng bay cùng cha mẹ trong giới hạn từ 500m đến 2km, sau tăng dần lên 5km, 10km, 20km, rồi 100, 200, 300km... Ngoài tập bay xa, “chiến binh” còn được luyện để có thói quen nhận ra ngay nơi ăn chốn ở, tạo sự thân thiện với mọi người. “Nài” Cường cho biết, mấy năm trước từng chủ nuôi phải huấn luyện cho các “chiến binh” của mình nên tốn khá nhiều thời gian cũng như chi phí đi lại, ăn uống... Gần đây, một số hội bồ câu đua có sáng kiến tổ chức các buổi “dợt tập thể”, tập hợp “chiến binh” từ các “căn cứ” rồi đưa đến một địa điểm nào đó để thả tập bay. Phí cho dịch vụ này khá thấp, nếu khoảng cách dưới 100km chỉ tốn 10.000 đồng, 300km trở lên là 30.000 đồng nên ai cũng vui vẻ chấp nhận.

“Nài” Cường chia sẻ, để biến bồ câu đua trở thành “chiến binh” thật sự, bên cạnh niềm đam mê, người nuôi phải có bí quyết riêng (cách cho ăn, huấn luyện bay...) để chim có thể lực sung mãn, cường tráng, dẻo dai, bay nhanh, định vị tốt. Vấn đề bệnh tật của “chiến binh” cũng rất đáng lưu ý. Tuy khỏe hơn một số gia cầm (như gà, vịt) và ít khi bị cúm hay toi nhưng “chiến binh” vẫn có thể mắc một số bệnh như phổi, bạch hầu..., do đó bên cạnh việc nuôi dưỡng, chăm sóc cẩn thận, người nuôi còn phải cho “chiến binh” chích ngừa, sát trùng chuồng trại kỹ lưỡng.

Kỷ lục của các “chiến binh”

Ngoài nuôi bồ câu đua, anh Hà còn là thành viên chính của trang web “Bồ câu VN”. Hàng ngày nếu có thời gian rảnh anh lại liên hệ với các hội bồ câu để nắm tình hình hay lên mạng sưu tầm những thông tin mới nhất liên quan đến các “chiến binh hòa bình”, sau đó chọn lọc đưa lên trang web. Anh từng điểm qua vài kỷ lục đặc biệt liên quan đến các “chiến binh hòa bình”. Đầu tiên là kỷ lục “rơi rụng”, nhất là những chặng dài, đua trên biển thường có từ 10 đến 20%, thậm chí hơn 30% “chiến binh” sau khi xuất phát không bao giờ quay về chốn cũ.

Chấn PG
26-10-12, 13:30
Liên quan đến đường đua, tại Việt Nam cho đến thời điểm này, khoảng cách xa nhất được xác lập là 600km đường chim bay từ Đà Nẵng đến TPHCM. So với một số cuộc đua trên thế giới thì khoảng cách này còn rất khiêm tốn. Anh Hà kể, ở Trung Quốc ngày 1-7-2012 có cuộc đua “siêu đường dài” 2.430km tại Cam Túc với 581 “chiến binh” tham gia. Tại nhiều nước châu Âu, các cuộc đua “bồ câu hòa bình” xuyên quốc gia thường xuyên được tổ chức với khoảng cách từ 1.000 - 2.000km.

Đối với kỷ lục về giá, anh Hà cho biết đắt nhất hiện nay tại Việt Nam là “chiến binh” có lông xám, mắt trắng, số kiềng VNPC2011-111098, vừa được bán ngày 19-8-2012 giá 33 triệu đồng. Trong vòng hai tuần lễ, “chiến binh” này đã xuất sắc vượt qua hàng trăm đối thủ để về nhất ở hai giải đua lớn, chính vì thế nó được đặt cho cái tên rất ấn tượng là “Độc bá lưỡng quan”! “Chiến binh” này đã “xô ngã” kỷ lục năm 2011 của một “chiến binh” sau khi giành giải I cuộc đua Bình Định - Sài Gòn 410km và được bán với giá 31 triệu đồng. Đề cập đến “chiến binh hòa bình” đắt nhất thế giới hiện nay, anh Hà quả quyết: “Đó là “chiến binh” Dolce Vita của Hà Lan được bán với giá 328.826USD (hơn 6,8 tỷ VNĐ) tháng 2-2012.

Về số lượng tranh tài trong một cuộc đua, anh Hà cho biết, tại Việt Nam thường chỉ có vài trăm “chiến binh” tham gia. Trong khi nhiều cuộc đua trên thế giới thu hút hàng nghìn, thậm chí hàng vạn “chiến binh”. Đạt kỷ lục hiện tại là cuộc đua được tổ chức đầu năm 2012 tại Romania với 42.800 “chiến binh”. Tại điểm xuất phát, các “chiến binh” đã tung cánh rợp trời tạo một hình ảnh vô cùng ấn tượng.

Đề cập đến tổng chiều dài mà các “chiến binh” đã chinh phục, anh Hà phấn khích: “Ở Việt Nam do các hội bồ câu đua còn khá mới mẻ nên chưa thống kê hết. Trên thế giới đã có những “chiến binh” gắn liền với con số khi nghe qua chính tôi cũng phải giật mình! Đó là “chiến binh” trống Vasilica của Ý hiện đang giữ kỷ lục với số chiều dài đã bay trong 8 năm là 19.913,4km.

Đôi điều trăn trở

Sự ra đời của nhiều hội đua bồ câu hòa bình, nhất là tại TPHCM, phần nào đã đáp ứng được nguyện vọng cũng như mong đợi từ lâu của những người trong cuộc. Tuy chỉ mới qua hai năm hình thành, phát triển nhưng kết quả mà các hội bồ câu đua đạt được rất có ý nghĩa, đáng được ghi nhận, thành phố lại có thêm một sân chơi mới lý thú và bổ ích. Xa hơn, với hàng loạt cuộc đua “hòa bình” lành mạnh, trong sáng được các hội thường xuyên tổ chức đã góp phần đẩy lùi nạn cá cược bồ câu ăn tiền vừa vi phạm pháp luật vừa đánh mất hình ảnh đẹp của những “chiến binh hòa bình”. Hiện tại, sân chơi không còn bó hẹp ở các quận thuộc khu vực Chợ Lớn mà đã mở rộng ra nhiều quận huyện khác của thành phố, hứa hẹn sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các hội bồ câu đua. Sắp tới, cuộc đua không chỉ gói gọn trong nước mà mở rộng sang các nước láng giềng...

Tuy có những bước phát triển vượt bậc nhưng để các giải đua được tổ chức ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, thu hút đông đảo “căn cứ” nuôi chim tham gia thì còn rất nhiều việc phải làm. Anh Hà trăn trở: “Các hội bồ câu đua ở TPHCM ra đời đầu tiên trong cả nước nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng công nhận bằng văn bản, trong khi Hội bồ câu đua Hải Phòng mới đi vào hoạt động nhưng đã được Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố ký quyết định vào ngày 8-5-2012 vừa qua khiến anh em rất phấn khởi”.

Đây cũng là niềm mong mỏi của các hội bồ câu đua ở TPHCM để củng cố, phát triển hội ngày càng mạnh hơn...


HÀ CƯƠNG